Theo sách kỷ lục, đường cao tốc xuyên Mỹ (Pan-American Highway) là con đường dài nhất thế giới, trải dài khoảng 30.000 km (19.000 dặm) từ Alaska đến mũi phía nam của Argentina. Tuy nhiên, tùy thuộc vào người bạn hỏi, một số người có thể không đồng tình với khẳng định đó.

Đường cao tốc xuyên Mỹ lần đầu tiên được Mỹ đề xuất vào năm 1923. Mặc dù nó được coi là một con đường lý tưởng để gắn kết các quốc gia xa xôi, tuy nhiên một số người cho rằng về cơ bản nó là một trong những cách nhằm tăng doanh số bán ô tô do Mỹ sản xuất và các mặt hàng xuất khẩu khác sang Mỹ Latinh.

Pan-American Highway là một hệ thống đường chạy qua 14 nước bao gồm: Mỹ, Canada, Mexico, Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua, Costa Rica, Panama, Colombia, Ecuador, Peru, Chile và Argentina. Ý tưởng về một tuyến đường bộ chạy dọc theo châu Mỹ lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1923 tại Hội nghị quốc tế lần thứ 5 của các quốc gia châu Mỹ. Tuy nhiên, phải đến năm 1937, một công ước mới được ký kết. Những năm 50 của thế kỷ 20, phần đầu tiên ở Mexico mới được hoàn thành.

Công ước về đường cao tốc xuyên Mỹ được ký kết vào năm 1937 bởi Argentina, Bolivia, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua, Panama, Peru và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tiến độ thực hienj con đường này lại diễn ra không nhanh như những kỳ vọng ban đầu. Vào đầu những năm 1970, Tổng thống Nixon cho rằng siêu xa lộ xuyên lục địa sẽ sớm được hoàn thành.

Trên thực tế, ngay cả ngày nay, Pan-American Highway vẫn chưa được kết nối đầy đủ và bạn không thể lái xe hết toàn bộ chiều dài của nó bởi có đoạn đường đứt đoạn rõ ràng ở Darién Gap, dải đất mảnh mai dài 160 km (100 dặm) nối liền Panama với Colombia.

Pan-American Highway cũng được xem là một con đường huyền thoại với chiều dài không thể tưởng tượng được, nó sẽ dẫn bạn qua những cảnh quan đa dạng như một bức tranh sắc màu. Bạn sẽ được trải nghiệm sự hoang dã của lãnh nguyên khô cằn, sự hùng vĩ của sa mạc, và sự mát mẻ của rừng mưa nhiệt đới. Tại Costa Rica, con đường trở nên thách thức hơn bao giờ hết, đặt ra thử thách cho những tay lái dũng cảm. Bạn sẽ phải đối mặt với "Đỉnh tử thần" (Summit of Death), một đỉnh núi cao 3.335 m - điểm cao nhất của Pan-American Highway ở Trung Mỹ. Sau đó, con đường sẽ bị ngắt quãng tại Yaviza, nơi nằm ở rìa khu rừng và đầm lầy Darién Gap rộng lớn.

Được bao bọc trong rừng rậm và những cơn mưa theo mùa, không có con đường nào đi qua Darién Gap, thậm chí tại đó còn không có những con đường đất.

Đã có nỗ lực xây dựng đường cao tốc xuyên Mỹ xuyên qua khoảng trống này vào những năm 1970, mà Hoa Kỳ cam kết tài trợ phần lớn chi phí, nhưng nó đã bị các nhà bảo vệ môi trường phản đối gay gắt vì cho rằng nó sẽ gây ra thảm họa cho đa dạng sinh học và cộng đồng bản địa trong khu vực.

Bất chấp khoảng cách này, ggường cao tốc Pan-American vẫn giữ Kỷ lục Guinness Thế giới về "con đường ô tô dài nhất".

Để vượt qua Darién Gap, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của tàu hoặc phà. Chuyến đi từ Panama đến Colombia và ngược lại thường kéo dài vài ngày. Phí cho dịch vụ này có thể lên tới 1.000 USD, tùy thuộc vào kích thước của phương tiện. Nếu bạn muốn thực hiện toàn bộ cuộc hành trình trên tuyến đường dài nhất thế giới, hãy chuẩn bị cho một chuyến đi kéo dài khoảng 50 ngày. Tuy nhiên, một số người đã chọn cách tiết kiệm thời gian bằng cách đi với tốc độ cao. Tim Cahill và Garry Sowerby đã xác lập kỷ lục thế giới cho chuyến đi nhanh nhất bằng ô tô qua Pan-American, chỉ mất 23 ngày 22 giờ 43 phút.

Theo đó, con đường dài thứ hai trên thế giới chính là Asian Highway 1 (AH1), tuyến đường dài nhất của Mạng lưới Đường cao tốc Châu Á dài 20.557 km (12.774 dặm) từ Tokyo của Nhật Bản đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Bulgaria, đi qua Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Iran.

Tuy nhiên, một lần nữa, bạn có thể nhận thấy rằng con đường này cũng không được kéo dài một cách liên tục. Hơn 942 km biển ngăn cách Nhật Bản và Hàn Quốc, cộng với việc hầu hết dân thường không thể đi qua Khu phi quân sự ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên.

Trong khi đó, Australia's Highway 1 được cho là con đường dài nhất có thể lái xe liên tục và là con đường quốc gia dài nhất, vòng quanh rìa ngoài của toàn bộ lục địa Australia với chiều dài khoảng 14.500 km (9.000 dặm). Nó giữ kỷ lục Guinness thế giới cho danh hiệu "Con đường liên tục dài nhất". Một nhóm người được mệnh danh là đội "Highway 1 to Hell" đã lập kỷ lục hoàn thành tuyến đường này cách đây vài năm, đi vòng quanh toàn bộ nước Úc trong 5 ngày, 13 giờ và 43 phút.

Australia's Highway 1, còn được gọi là 'Big Lap', là một mạng lưới đường bao quanh toàn bộ lục địa Australia với tổng chiều dài khoảng 14.500 km. Đây là con đường quốc gia dài nhất thế giới, vượt qua cả Đường sắt Xuyên Siberia và Đường cao tốc Xuyên Canada. Australia's Highway 1 là con đường duy nhất đi qua tất cả các bang của Australia.

Tham khảo: Iflscience; Alltrails